Các cuộc hôn nhân Catherine_Parr

Kết hôn và tái hôn

Vào năm 1529, Catherine khi đó 17 tuổi, kết hôn với Sir Edward Burgh, cháu nội của Edward Burgh, Nam tước Burgh thứ 2 xứ Gainsborough, nhiều nhà biên lý lịch cho Catherine Parr đã thường nhầm bà từng kết hôn với ngài Nam tước trong nhiều thập kỉ, khi cho rằng bà kết hôn với cha chồng bà là Thomas Burgh, Nam tước Burgh thứ nhất[15][16]. Sau cái chết của Nam tước Edwrad Burgh vào năm 1528, cha chồng của Catherine được triệu vào triều và thừa kế tước hiệu.

Lâu đài Snape, nơi Catherine và hai người con chồng bị giáo dân Công giáo giam giữ.

Năm 1517, Sir Thomas Par qua đời, bà Maud phải chống chọi trong vấn đề bảo đảm tương lai của chính mình và con cái, và bà cố gắng sắp xếp hôn nhân giữa Catherine với Lord Scrope xứ Bolton. Tuy nhiên, sau khi giúp con trai William đính hôn với Anne Bourchier, nữ thừa kế gia nghiệp của gia đình Bourchier nắm giữ tước vị Bá tước xứ Essex và Nam tước Bourchier, bà Maud sau đó lại không đủ tài sản để làm của hồi môn cho Catherine, do vậy cuộc dạm hỏi không đi đến đâu cả. Khi hai sử gia Susan James và Linda Porter giám định các tài liệu, bao gồm cả di chúc của bản thân bà Maud, họ đã xác định chắc chắn Catherine Par được cưới cho Sir Edward Burgh, cháu nội ngài Nam tước Burgh thứ 2 xứ Gainsborough đã được đề cập, và vấn đề gây nhầm lẫn chính là người cháu nội này cũng tên "Edward" như ông nội. Theo như được biết Sir Edward Burgh là con trai của người thừa kế của ngài Nam tước, ông Thomas Burgh, người lúc đó vẫn là "Sir" vì chưa kế thừa tước của cha. Trong di chúc của bà Maud, bà cám ơn "Sir Thomas Borough"[17], vì đã chấp nhận hôn nhân của con gái bà. Và khi con trai của ông kết hôn, Thomas được 35 tuổi, có nghĩa rằng con trai ông là Sir Edward Burgh hẳn phải gần bằng tuổi Catherine[18]. Khi kết hôn với Catherine, Sir Edward Burgh tuy mới 20 tuổi nhưng rất ốm yếu. Ông phục vụ như cố vấn cho Thomas Kiddell với tư cách Justice of the peace - một quan chức pháp lý cho cơ quan tòa án khu vực, còn Sir Thomas đang là một quan chức dưới trướng Anne Boleyn.

Tuy nhiên nhanh sau đó, ông qua đời vào đầu năm 1533, khi chưa kịp sống lâu hơn cha mình để thừa tước tước hiệu Nam tước Burgh[19][20]. Sau cái chết của chồng, Catherine dời đến Lâu đài Sizergh ở Westmorland (nay là khu Cumbria), chỗ ở của Katherine Neville, Phu nhân Strickland, vợ của người anh họ quá cố của Catherine là Sir Walter Strickland. Vào mùa xuân năm 1534, Catherine tái hôn với John Neville, Nam tước Latimer thứ 3, người anh họ có chung ông cố qua họ ngoại của cha bà[21]. Nam tước Latimer gấp đôi tuổi của Catherine và đã có 2 đời vợ. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, ông có hai người con là John và Margaret. Mặc dù Nam tước Latimer có vấn đề về tài chính, khi ông cùng các người anh khác tranh chấp quyền được thừa tước hiệu Bá tước Warrwick, Catherine bây giờ có riêng nhà cho mình, có một người chồng có tước vị quý tộc, hơn nữa nhà chồng bà cũng có thế lực tại phương Bắc.

Về phương diện chính trị, Nam tước Latimer là người Công giáo, ông đã phản đối Henry VIII ly hôn với Catherine xứ Aragon, tái hôn với Anne Boleyn và ly khai Giáo hội La Mã. Vào tháng 10 năm 1536, qua sự Nổi lên ở vùng Lincolnshire, các giáo dân Công giáo đến trước nhà Nam tước Latimer và đe dọa sẽ hủy hoại gia đình ông nếu ông không tham gia việc chống cuộc cải cách tôn giáo của triều đình. Catherine đã tận mắt thấy chồng mình bị người Công giáo lôi đi.

Chính thức vào triều

Giữa tháng 10 năm 1536 đến tháng 4 năm 1537 là quá trình diễn ra Nổi dậy phía Bắc, Catherine sống trong sợ hãi với hai người con chồng. Đây được suy đoán là tiền đề khiến bà rất có ác cảm với Công giáo về sau. Vào tháng 1 năm 1537, Catherine cùng hai người con chồng bị đưa đến Lâu đài Snape phía Bắc của Yorkshire, bà bị giáo dân Công giáo giam giữ như con tin và đòi Nam tước Latimer trở về nếu không cả nhà ông sẽ bị giết. Khi Nam tước Latimer trở về, ông đã đàm phán với giáo dân thả gia đình ông và cả nhà buộc phải rời khỏi phía Bắc. Vua Henry VIII và Thomas Cromwell nghe được tin này, và nhìn nhận Nam tước có thể là nội gián, nên ông lệnh cho Công tước Norfolk thẩm tra và bảo đảm Latimer chống lại phe Công giáo và nguyện phục tùng triều đình. Giữa lúc ấy, việc em trai của Catherine là William lãnh đạo quân chống lại cuộc nổi dậy, đã góp phần chắc nịch và đảm bảo tính trung thành của gia đình Nam tước[22]. Và tuy không bị kết án, song Nam tước Latimer đã mang vết nhơ đến tận khi ông qua đời, và điều này ảnh hưởng lên Catherine. Trong những năm tới, Nam tước bị Cromwell hăm dọa và ép buộc phải làm việc cho ông ta. Đến khi Cromwell bị xử tử năm 1540, gia đình Nam tước mới đòi lại những tài sản đã bị tước đoạt khi trước. Đến năm 1542, gia đình Nam tước đến sống ở London, vì Nam tước đã được vào Nghị viện, Catherine vào triều thăm hai người em William và Anne, và chính lúc này bà đã quen biết với người chồng tương lai, Sir Thomas Seymour, em trai của Vương hậu Jane Seymour quá cố.

Công nương Mary.

Khoảng mùa đông năm 1542, sức khỏe của Nam tước Latimer chuyển biến xấu, Catherine đã tận tâm chăm sóc chồng mình không rời, cho đến khi ông qua đời vào tháng 3 sang năm. Trong di chúc của mình, Nam tước Latimer chỉ định Catherine làm người giám hộ cho con gái ông là Margaret, bà có toàn quyền trong việc quản lý những vấn đề liên quan đến Margaret cho đến khi trưởng thành. Bên cạnh đó, Nam tước còn uyển cho Catherine tòa Thái ấp ở Stowe cùng một số lãnh địa trang viên khác. Trường hợp Margaret không kết hôn trong vòng 5 năm kể từ khi đủ tuổi, Catherine sẽ hưởng mức tiền £30[23] mỗi năm trong ngân quỹ tài sản để lại cho Margaret. Bằng việc này, Catherine trở thành một góa phụ giàu có, tuy nhiên việc này cũng khiến bà phải trở về phương Bắc mà không có quyền được giữ lại triều đình nữa. Từ khi Latimer qua đời, Catherine luôn tưởng nhớ ông, bà đã giữ quyển Tân Ước có tên ông trong bìa sách đến cuối quãng đời còn lại của mình.

Bằng liên hệ giữa mẹ mình và Catherine xứ Aragon, Catherine Parr có được sự tin tưởng từ con gái của Vương hậu quá cố, Công nương Mary. Khoảng ngày 16 tháng 2 năm 1543, Catherine đã chính thức phục vụ trong đoàn tùy tùng của Công nương Mary, và chính thời gian này bà đã thu hút Vua Henry VIII. Đồng thời vào lúc ấy, Catherine đã có quan hệ tình cảm với Sir Thomas Seymour, song khi lời cầu hôn của nhà vua truyền đến, Catherine cảm thấy nghĩa vụ của mình là đáp lại, và bà từ chối Seymour.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Catherine_Parr http://ausiellofiles.ew.com/2009/07/tudors-exclusi... http://www.exclassics.com/foxe/foxe212.htm http://www.historicalportraits.com/Gallery.asp?Pag... http://www.scalapublishers.com/title.aspx?category... http://www.somegreymatter.com/meltonconstableportr... http://tudorqueen6.com http://news-info.wustl.edu/news/page/normal/8996.h... http://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=nyp.33433075... http://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=nyp.33433075... http://www.luminarium.org/encyclopedia/edwardtopar...